In bài này

Bác sĩ tốt nhất là chính mình -03- Mười vấn đề sức khỏe tuổi trung niên

 Kinh tế ngày nay phát triển, tiền nhiều, mức sống được nâng cao, tại sao có nhiều người vẫn chết sớm? Tại sao những căn bệnh mãn tính ngày càng nhiều, độ tuổi phát bệnh ngày càng sớm, khả năng khống chế bệnh thì thấp mà khả năng phát bệnh lại cao?

Tuổi thanh niên sớm qua đi, cần làm gì để chuẩn bị cho sức khỏe tuổi trung niên? 

Tuổi đời tăng, tuổi thọ sức khỏe không tăng 

Theo thời gian, tuổi thọ trung bình của con người có thể nói là ngày một cao hơn.

Tuy nhiên, theo những điều tra của Tố chức Y tế Thế giới trên 191 quốc gia, khoảng cách tuổi thọ nói chung và tuổi thọ sức khỏe nói riêng giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển còn khá lớn, khoảng 10 tuổi. Xếp hạng cao nhất là người Nhật Bản, tuổi thọ sức khỏe trung bình của người nhật là 74,5 tuổi.

Tại sao gọi là tuổi thọ sức khỏe? Giả dụ một người sống mạnh khỏe cho đến 40 tuổi, trong khoảng thời gian trước đó họ luôn khỏe mạnh, nhưng sau 40 tuổi họ bắt đầu mắc bệnh tật, như vậy tuổi thọ sức khỏe của họ là 40 tuổi, họ có thể tiếp tục sống được đến 60 tuổi, nhưng khoảng thời gian 20 năm cuối đời họ sống trong đau ốm, luôn phải tốn kém chi phí cho thuốc thang. Nhưng giả như một người sống được cho đến 100 tuổi vẫn khỏe mạnh, không bị bệnh tật gì, như vậy tuổi thọ sức khỏe của họ là 100 tuổi.

Nhiều người trong chúng ta thường có quan niệm “chỉ cần giữ được mạng sống là may mắn rồi”. Ý ở đây là miễn sao còn sống là được, sống trong bệnh tật cũng là sống, sống người thực vật cũng là sống, nhưng sống như thế thì chất lượng cuộc sống chẳng có chút trọng lượng nào, điều đó không đem lại hạnh phúc cho chúng ta.

Tôi từng chứng kiến một bệnh nhân đã là người thực vật trong 4 năm, tốn kém chi phí vô kể. Cuối cùng khi chết chỉ còn da bọc xương, cơ thể mục rữa. Khi chuẩn bị đem đi chôn, gia đình cho mời người chỉnh sửa lại dung nhan cho anh ta, những chỗ lõm thì đắp thêm sáp vào cho đầy đặn ra, cuối cùng, lông mi cũng là lông mi giả, mũi là mũi giả. đến khi mang thi thể ra, mọi người quen đều không nhận ra anh ta là ai nữa.

Còn có bệnh nhân, mỗi ngày ở bệnh viện tốn kém bạc triệu, cuối cùng chết vẫn là chết. Tốn kém tiền bạc như thế dù sao vẫn là việc nhỏ, ngoài ra còn phải cần đến 14 người quan tâm chăm sóc cho một người, tại sao? Anh ta vào phòng dành cho người mắc bệnh nặng, cần đến 6 người y tá chăm sóc; người nhà anh ta không an tâm lại thuê thêm 3 người bảo mẫu, lại thêm 2 người trực ban thay phiên nhau, tổng cộng là 11 người; thêm vợ anh hàng ngày đều đến thăm là 12 người; bác sĩ trực viện quản lý là 13 người; chủ nhiệm khoa hàng ngày phải kiểm tra phòng nữa là 14 người; như vậy phải cần đến 14 người chăm sóc cho một người, trong thời gian nửa năm trời, tốm kém biết bao nhiêu chi phí cho kể.

Sống thọ đến trăm tuổi vẫn chưa đủ, cần phải sống khỏe mới có ý nghĩa, nếu không cuộc sống chỉ là thêm tội. Không có sức khỏe, cuộc sống hạnh phúc sẽ không thể tồn tại. 

“Ba mươi run rẩy, bốn mươi không còn sức sống” 

Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, đàn ông hiện nay qua đời ngày càng sớm. 

Theo tính toán của các nhà xã hội học, vào những năm 40 thế kỷ 20, tuổi thọ đàn ông hơn phụ nữ 3 tuổi; đến những năm 60 thế kỷ 20, tuổi thọ giữa nam và nữ về cơ bản là cân bằng; đến những năm 70, tuổi thọ bình quân của nữ đã nhiều hơn nam 1 tuổi; đến những năm 90, tuổi thọ bình quân của nữ hơn nam là 4 tuổi. Cứ theo đà này, đến thế kỷ 21 nam giới sẽ không còn con đường để sống. 

Đạo lý nằm ở đâu? Thực sự, nam giới là một quần thể yếu đuối nhất trên thế giới. Chẳng phải mọi người vẫn gọi “nam giới là phái mạnh, nữ giới là phái yếu” sao? Sai rồi. Cũng bởi vì nam giới được phó thác quá nhiều trọng trách, được cho là kẻ mạnh, kết quả là họ chết ngày càng sớm.

Xưa nay, xã hội chúng ta quy cho nam giới bao nhiêu là quy tắc, chuẩn mực, giả như ba mươi tuổi lập thân, bốn mươi tuổi thành đạt… những quy định này có từ trong dân gian, được lưu truyền hết đời này qua đời sau, ăn sâu vào tâm lý chúng ta. Hàng loạt những áp lực bao vây họ, phía trên có người già, dưới có người trẻ, trước có cấp trên, sau có vợ…, nào là không làm được cái này, không làm được cái kia… Có thể nói, câu: “Ba mươi lập thân, bốn mươi thành đạt” đã trở thành “Ba mươi run rẩy, bốn mươi không còn sức sống”.

Sự khác biệt của sức khỏe đến vào tuổi trung niên. 40 tuổi là giai đoạn bắt đầu có sự chuyển hóa, khả năng phát bệnh nguy hiểm gia tăng. Khi đến 60 tuổi, người thì tinh thần uể oải, người thì gần đất xa trời, người thì đã nằm sâu trong lòng đất. 

Thu nhập tăng, hạnh phúc không tăng 

Xã hội ngày nay, kinh tế phát triển nhanh, cuộc sống vật chất ngày càng dư giả, nhưng áp lực cuộc sống cũng ngày càng nhiều, mọi người hay nóng nảy, bực bội, tâm lý không khi nào được thoải mái. Nhiều nghiên cứu cho thấy: so với những năm 50 thế kỷ 20, cho dù kinh tế ngày nay được nâng cao rõ rệt, nhưng hạnh phúc cuộc sống của chúng ta lại không thay đổi gì mấy, mọi người không cảm thấy cuộc sống được vui vẻ hơn. Nguyên nhân do đâu?

Có người nói, đây chính là cái giá của sự phát triển kinh tế, bởi vì sự phát triển cũng cần phải trả giá. Một nhà triết học nói: “đây chính là cái giá phải trả cho sự phát triển, nhưng nhìn xa mà nói, cái giá phải trả cho sự lạc hậu càng lớn hơn nhiều.” Có thể nói, trong một xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, ai ai cũng đều phải phấn đấu vươn lên nếu không muốn bị lạc hậu, do đó đây là áp lực do chính mình tạo cho mình trong quá trình đấu tranh mãnh liệt với cuộc sống. Nhịp điệu cơ thể sinh vật chúng ta bị rối loạn, thói quen ăn uống rối loạn, hút thuốc, uống rượu, vận động ít, thường xuyên mất ngủ, lúc nào cũng sống trong trạng thái khẩn trương, áp lực, những thói quen sống bừa bãi là nguyên nhân gây nên những căn bệnh như cao huyết áp, máu nhiễm mỡ, động mạch vành, lở loét, tiểu đường, ung thư… Tỷ lệ người bị mắc các bệnh mãn tính ngày càng nhiều, độ tuổi mắc bệnh sớm đã trở thành vấn nạn không thể khống chế được.

Khoa học kỹ thuật cao cuối cùng có lợi hay có hại?   Thế kỷ 21 này chúng ta sẽ đi tới đâu, là hạnh phúc hay đau khổ? 

Tiền nhiều, kiến thức chăm sóc sức khỏe không nhiều 

Theo những điều tra gần đây, ở nhiều nước trên thế giới, học sinh tiểu học đã mắc bệnh cao huyết áp, học sinh trung học cũng đã bị bệnh xơ vữa động mạch. Tại sao kinh tế phát triển, tiền nhiều, chất lượng cuộc sống được nâng cao, nhưng có nhiều người vẫn chết sớm? Có người cho rằng ngày nay các bệnh về tim, não, huyết quản nhiều, bệnh u bướu, tiểu đường nhiều, đều có nguyên nhân từ kinh tế phát triển, cuộc sống dư dật mà tạo thành. Đây là một định kiến sai lầm. Tôi cho rằng những căn bệnh này không xuất phát từ nguyên nhân cuộc sống vật chất được nâng cao, mà là do những khiếm khuyết của văn hóa tinh thần, khiếm khuyết của tri thức về chăm sóc sức khỏe mà tạo thành.

Như bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường… Những “bệnh văn minh” này không phải là do xã hội văn minh mang đến, mà là do chế độ ăn uống không hợp lý, hút thuốc, uống rượu, ít vận động, tâm lý bất thường…, đây là do cách sống thiếu văn minh tạo ra.

Kinh tế của nước Mỹ là một minh chứng: so sánh giữa người già da đen và người da trắng, người da trắng nhiều tiền hơn, cuộc sống vật chất tốt hơn, nhưng những căn bệnh như cao huyết áp, động mạch vành, u bướu so với người da đen thì ít hơn nhiều, tuổi thọ trung bình cũng cao hơn. Nguyên nhân là do đâu? Bởi vì họ được giáo dục tốt về kiến thức chăm sóc sức khỏe, về văn minh tinh thần, kiến thức về cách sống vệ sinh, họ có ý thức rất cao về bảo vệ sức khỏe cho mình. 

Như vậy có thể nói, bệnh tật nhiều không phải do cuộc sống vật chất dư giả tạo ra, do thu nhập nhiều, tiền nhiều, mà là do thiếu ý thức về cách sống vệ sinh, cách chăm sóc sức khỏe cho mình. Có thể nói, “bệnh văn minh” là do cách sống không văn minh tạo thành. Nếu như chúng ta luôn ý thức việc bồi dưỡng tri thức chăm sóc sức khỏe, như thế, kinh tế càng phát đạt thì càng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc nâng cao sức khỏe cho mình, nó không bao giờ là nguyên nhân gây nên bệnh tật cho chúng ta cả.

Người xưa nói: không gì đau đớn bằng cái chết. Hiện nay là: không gì đau đớn bằng thiếu hiểu biết về sức khỏe. 

Vận động ít, tuổi già đến sớm

 Ở thành phố Thượng Hải gần đây có một điều tra nghiên cứu về  tác dụng của tập thể dục đối với các cán bộ công nhân viên chức, độ tuổi từ 25 – 44 tuổi, cho thấy, những người lười tập thể dục, ngồi nhiều, thường già hơn so với tuổi thực tế 5 tuổi.

Kết quả kiểm tra thể chất cho thấy, hơn một nửa số công nhân viên chức làm việc trong trạng thái ngồi quá 5 giờ một ngày, trong đó 3 phần là quá 7 giờ một ngày, có đến 60% số người không tham gia tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Trong số họ đa số dùng xe đi làm thay vì đi bộ, dùng thang máy lên lầu chứ tuyệt đối không chịu đi bộ lên, vừa về đến nhà là lập tức ngồi ghế sofa. 63% số người không đi bộ quá 10 phút một ngày. đa số họ là những người thừa cân, cơ bắp yếu ớt, tim phổi hoạt động kém, trạng thái tinh thần thường không tốt.

Một số phụ nữ giữ những chức vụ cao ở những công ty lớn, sự nghiệp thành đạt, không ngừng thăng tiến, nhưng thường ngày luôn cảm thấy đau đầu, căng thẳng, cổ và lưng thường cảm thấy như không có sức lực, thường đau ngực, ra mồ hôi trộm. Ngày thì ăn cơm không được, tối thì ngủ không thấy ngon. đi bệnh viện kiểm tra nội, ngoại, phụ khoa, lại không phát hiện có biểu hiện gì khác thường…

Đối với loại công việc như thế, chỉ cần để ý một chút là có thể nhận ra, rất nhiều người quanh chúng ta đều mang trạng thái bệnh giống như những phụ nữ kể trên: cơ thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chỉ thích nằm, thường đau đầu, đau lưng, sức ghi nhớ giảm sút, thường cảm thấy khó tập trung, năng lực làm việc giảm sút, thường hay cảm cúm, thấy lo lắng bất an, đau dạ dày…

Mọi người thường hay hình dung họ là những người có đời sống dư giả, giàu nghị lực, có chí tiến thủ… Nhưng sự thực, qua những đợt kiểm tra sức khỏe cán bộ hàng năm, người bề ngoài tưởng như rất khỏe mạnh nhưng lại đang ẩn chứa những căn bệnh nguy hiểm, hoặc có người thì cũng đã mắc bệnh rồi, còn có những thanh niên đột nhiên từ giã cõi đời, khiến người ta đau đớn và thương tiếc. Rất nhiều người cho dù không có bệnh tật gì thì cũng là “sức khỏe kém”; cho dù không phải “sức khỏe kém”, tâm hồn cũng tối tăm mờ mịt, không thể có được trạng thái cảnh xuân tươi đẹp, sắc xuân ấm áp, tự do tự tại.

Những người làm việc văn phòng cố gắng nên ngồi ít mà vận động nhiều hơn, nếu như không có thời gian tập thể dục, khi đi làm hãy cố gắng đi bộ một vài đoạn đường, ngày nghỉ cố gắng tổ chức gia đình đi dã ngoại. 

Giá trị con người tăng, sức khỏe giảm

Hiện nay, nhiều người đàn ông làm việc kinh doanh trở nên thành đạt, giàu có, đi xe sang trọng, mỹ nữ cặp kè hai bên, thư ký, bảo vệ tiền hô hậu ủng, cảm thấy giá trị của bản thân được tăng thêm, vì vậy mà luôn cố chấp bảo thủ. Thực sự, họ thường có tâm trạng cáu gắt với người khác, ảnh hưởng không tốt tới chính bản thân họ. Những ảnh hưởng này thậm chí nếu so với hút thuốc, thừa cân, việc sinh ra cholestorol gây ảnh hưởng không tốt đến tim mạch còn đáng sợ hơn.

 Một nghiên cứu ở Mỹ theo dõi kiểm tra trong 5 năm với 700 người đàn ông ở độ tuổi 40, tỷ lệ về các vấn đề huyết áp, mỡ máu, thể trọng, vòng lưng, vòng mông, đối với cách ăn uống, hút thuốc, trình độ giáo dục, số lần nóng giận… tất cả đều ghi chép lại tỷ mỉ. Khi kiểm tra mối liên quan giữa số lần nổi giận và khả năng phát sinh bệnh tim, kết quả, trong 5 năm này, 5,8% những người bình thường hay nổi giận, họ đều vì nóng giận mà ít nhất là đã từng bị đau tim một lần. Chúng ta đều biết, cholesterol cao được hình thành dần qua một quá trình, không phải ăn một hai lần thịt mà có thể bị ngay, nhưng nóng giận thì chỉ cần một lần. 

Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng, tính khí có mối quan hệ mật thiết với sức khỏe của tim. Ví dụ, một người không bị cao huyết áp, không bị bệnh động mạch vành, không bị tiểu đường, mỗi ngày đều vận động tập thể dục đều đặn, như vậy là rất tốt, nhưng nếu tâm trạng anh ta không tốt, động một chút là nóng giận, nổi cáu, như thế còn tệ hơn cả những người có bệnh tật. Bởi vì khi bị bệnh có thể uống thuốc, chữa trị kịp thời, như thế vẫn sống lâu được. Còn dù bạn không mắc bệnh tật gì nhưng lại hay nổi giận, một lúc nào đó không kiềm chế được, bạn cũng sẽ “toi đời”.

Vì sức khỏe của mình, biết phát triển giá trị của bản thân mình, nhưng nhất định không để sự nóng giận phát triển theo.

 Có tri thức, không có sức khỏe 

Những nghiên cứu gần đây về những người đàn ông thành đạt ở độ tuổi trung niên cho thấy, tuổi thọ trung bình của thành phần trí thức hiện nay giảm khoảng 5 tuổi so với 10 năm trước, chỉ khoảng 53 tuổi, độ tuổi thường xảy ra tử vong là từ 45 – 55 tuổi. Có thể nói, “có tri thức, không có sức khỏe” là một thực trạng của thành phần tri thức ngày nay.

Ông Lưu, 49 tuổi, là cán bộ cao cấp ở một cơ quan hành chính nhà nước, nửa năm trở lại đây đột nhiên cái lưng của ông thường đau nhức khiến ông không thể ngủ được, tuy nhiên ông không muốn nghỉ việc, bỏ thời gian đến bệnh viện điều trị chính thức. Một ngày 3 bữa cơm thì có tới 2 bữa ăn trong khi tiếp khách xã giao, ông nghĩ rằng chỉ cần tối về nghỉ ngơi một chút là khỏe lại, việc tiếp khách xã giao không hại gì đến việc trị bệnh. Cho đến khi bệnh tình khiến xương cốt ông như muốn giã rời, sau 15 năm, lần đầu tiên ông mới bước chân vào bệnh viện. Sau khi kiểm tra tổng quát mới phát hiện, ông đã bị ung thư phổi ở giai đoạn cuối, không có cách gì có thể cứu chữa được nữa. 

Có thể nói, những người thuộc thành phần tri thức ngày nay, luôn lấy công việc làm đầu, giống như ông Lưu kể trên là rất nhiều. Những điều tra cho thấy, tình trạng sức khỏe suy giảm thường bắt đầu với tuổi trung niên, nhưng ở độ tuổi này người ta thường quá say mê với công việc mà rất ít khi xin nghỉ phép để đi khám bệnh, chỉ thường đến một số cơ sở y tế làm vật lý trị liệu. Trải qua 10 năm, 20 năm không mắc bệnh tật gì, nhưng đến khi mắc bệnh thì toàn là những trọng bệnh.

Công việc, sự nghiệp không phải là toàn bộ cuộc sống, cần phải biết chú ý đến việc nghỉ ngơi thư giãn, phải học cách biết vứt bỏ công việc qua một bên. Có thể nói, tình trạng sức khỏe của thành phần trí thức là hoàn toàn có biện pháp để cải thiện được. 

Biết, làm không được 

Ngày nay, cuộc sống vật chất ngày càng dư thừa, tại sao những căn bệnh mãn tính ngày càng nhiều, độ tuổi phát bệnh ngày càng sớm? Những bệnh hoàn toàn có khả năng khống chế được như cao huyết áp, tiểu đường, tại sao khả năng khống chế được rất thấp, khả năng phát bệnh ngày càng cao? Tình trạng ngày càng nghiêm trọng của những căn bệnh mãn tính này có thể tổng kết lại ba nguyên nhân sau:

Một là thiếu hiểu biết, bị bệnh mà cũng không biết, sắp chết cũng không biết.

Hai là biết nhưng không làm được. Rất nhiều người ở độ tuổi trung, thanh niên, có hiểu biết về cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, cũng muốn chăm sóc tốt sức khỏe, nhưng do những áp lực từ công việc, cuộc sống, gia đình quá lớn, tính mãi mà không thực hiện được, đành phải phó mặc cho số phận.

Ba là biết mà không làm. Nhiều người có hiểu biết về cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, có điều kiện để thực hiện, nhưng thực tế lại không làm được.

Khi Bạch Cư Dị nhận chức thái thú ở Hàng Châu có thỉnh giáo một vị cao tăng, muốn hỏi xem “chân lý của Phật” là gì. Cao tăng trả lời, nằm ở 8 chữ: “không làm việc ác, tích cực hành thiện.” Bạch Cư Dị lại hỏi: điều này chẳng phải là quá đơn giản hay sao? đến đứa bé 3 tuổi cũng biết. Cao tăng đáp lại: đúng vậy, đứa bé 3 tuổi cũng biết, nhưng ông lão 80 tuổi làm không được. đây chính là nhược điểm căn bản của tính người từ xưa đến nay: biết, tin, nhưng làm không được.

Sự khác biệt giữa người với người nằm ở ba chữ là biết, tin, và làm, nói theo người xưa là “nghe đạo, ngộ đạo, hành đạo”. Có thể nói, trong 100 người nghe giảng đạo, có khoảng 50 người hiểu, nhưng thực hành được thì chưa đến 10 người. Lấy hút thuốc làm ví dụ, căn cứ theo điều tra trong y học: trong 100 người hút thuốc thì có tới 95 người biết thuốc có hại, những người muốn cai thuốc chỉ khoảng 50 người, nhưng người cai thuốc thành công chỉ khoảng 4 người, có thể thấy được sự khác biệt là rất lớn. Những vấn đề khác như việc giảm béo, cao huyết áp… cũng tương tự như vậy, sự khác biệt giữa biết và làm được là rất lớn.

Trong trăm người nghe đạo, hiểu đạo chỉ khoảng 50 người, còn hành đạo thì chỉ có vài người. Nguyên nhân chủ yếu của nguy cơ về sức khỏe là: biết, làm không được.

Tiết kiệm tiền bạc, chi tiêu nhiều hơn cho sức khỏe

Theo sự tiến hóa của giới tự nhiên, cái cây sinh mạng của con người có thể đạt tới hơn 120 tuổi. Tuy nhiên, chiếc đồng hồ sinh học của chúng ta chạy quá nhanh, 40 tuổi đã đi gần hết quãng đường mà đáng lẽ phải là 90 tuổi, thật là đáng thương! Tại sao chiếc đồng hồ sinh học của chúng ta lại chạy nhanh như thế?

 Một quan niệm thời thượng của giới thanh niên ngày nay: trước 40 tuổi bán cuộc đời để kiếm tiền, sau 40 tuổi dùng tiền để mua cuộc đời. Họ đã quên một chân lý rất giản dị: cuộc đời là con đường một chiều, không có con đường nào quay ngược trở lại.

Giữa sức khỏe, sự nghiệp, tiền bạc, có sự mâu thuẫn, nhưng không phải là mâu thuẫn mang tính đối kháng. Sức khỏe là quan trọng nhất, quan trọng hơn cả sự quan trọng, mất sức khỏe, tất cả mọi thứ khác chỉ là số 0. Sự nghiệp cũng quan trọng, cần phải cố gắng hết mình vì nó, nhưng chỉ nên bỏ công sức, bỏ trí tuệ chứ đừng bỏ mạng. Tiền bạc cũng quan trọng, nên cố gắng làm việc kiếm tiền, nhưng chỉ nên đổ sức, đổ mồ hôi, đừng đổ máu.

Chúng ta thường mắc phải một sai lầm, đó là luôn sống chạy theo cảm giác, chủ quan đối với sức khỏe, đến lúc mất đi mới hối tiếc. Bệnh cao huyết áp không gây đau đớn, không cảm thấy khó chịu, nhưng nếu chữa trị không kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến tim, thận, não,…, gây nguy hiểm đến tính mạng, nó chính là “hung thủ thầm lặng”; bệnh tiểu đường không có nhiều triệu chứng, nhưng nếu chủ quan, chữa trị không tốt, cũng sẽ phát đến tim, não, thận, mắt…, kéo theo hàng loạt những căn bệnh mãn tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tuổi thọ, nó chính là “hung thủ ngọt ngào”; bệnh máu nhiễm mỡ không có triệu chứng gì, nhưng sẽ dẫn đến bị xơ cứng động mạch, nó chính là “hung thủ vô hình”; hút thuốc khiến cơ thể thấy sảng khoái, những nguy hiểm của nó cả thế giới đều biết, nó chính là “hung thủ mỉm cười”. Bốn loại hung thủ này đều là nguyên nhân khiến chiếc đồng hồ sinh học của chúng ta chạy nhanh hơn, đều có thể khiến động mạch vành của chúng ta bị xơ cứng, sự kết hợp của 4 hung thủ này khiến tính nguy hiểm tăng theo cấp số nhân, tức là cứ 1 hung thủ thì khả năng phát bệnh tăng 2 lần, 2 hung thủ là 4 lần, 3 hung thủ là 9 lần, 4 hung thủ là 16 lần.

Tính mạng của con người rất mong manh, chúng ta không thể xem thường những hung thủ gây nguy hiểm đối với sức khỏe của mình. 

Thắng cả thế giới, thua chính bản thân mình

 Đâu là nguyên nhân khiến tuổi thọ chúng ta ngắn ngủi? Sự chủ quan, hồ đồ đối với sức khỏe và sinh mạng chính là nguyên nhân chủ yếu, nhưng nhân tố xã hội cũng không thể xem nhẹ.

Trong xã hội ngày nay, nhu cầu vật chất ngày càng trở nên mạnh mẽ, nhịp điệu cuộc sống tất bật, mọi người đều vội vã với công việc, một trạng thái xã hội như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý mỗi người, ảnh hưởng đến khả năng điều tiết của thần kinh giao cảm và thần kinh phó giao cảm, đây là nguyên nhân khiến sức khỏe giảm sút và bệnh tật dễ xâm nhập.

Những áp lực ở tuổi trung niên của mỗi người không giống nhau. Có người do đảm đương những chức vụ quan trọng, phải chịu áp lực của trách nhiệm; có người do làm công việc nghiên cứu học thuật, chịu áp lực phải gặt hái được thành tích trong sự nghiệp; có người do theo đuổi lợi nhuận, áp lực từ những âm mưu đen tối trong lòng; cũng có người do không biết mình bị bệnh mà dẫn đến phải mất mạng. Bất kể xuất phát từ nguyên nhân như thế nào, kết cục đều giống nhau: mất sức khỏe, mất tính mạng.

Sống trong một trạng thái xã hội như ngày nay, cần nhớ đến câu nói của một nhà triết học: làm ít sống nhiều là làm nhiều, làm nhiều sống ít là làm ít. Và cần phải: sống thực, nói thực. Vào những năm 50 của thế kỷ 20 có một câu nói phổ biến: “Thân thể là vốn liếng của cách mạng”, đây là một chân lý vô cùng sâu sắc. Như một vĩ nhân từng nói, “Trong chiến tranh, trước tiên cần phải biết bảo vệ chính mình, sau đó mới có thể tiêu diệt kẻ thù một cách hiệu quả”. Lê-nin từng nói, “Người nào không biết nghỉ ngơi, người đó cũng không biết làm việc”. Trong “Thánh kinh” có một câu nói rất hay: “Chiến thắng cả thế giới, thua chính bản thân mình”. đạo lý đơn giản này, không lẽ bao nhiêu những người ưu tú của xã hội lại không biết? Nhược điểm của bản tính con người đó là “biết, làm không được”, “nói thì dễ, làm thì khó”, đặc biệt còn khó hơn trong một xã hội đầy những đam mê, quyến rũ của vật dục như ngày nay.

Cuộc đời là con đường đơn tuyến, giống như dòng suối chỉ chảy về một hướng. Trên thế gian có hàng ngàn loại thuốc, hàng vạn loại thuốc, nhưng không có thuốc chữa hối hận.

Tác giả: Hồng Chiêu Quang
Dịch giả: Đoàn Đức Thanh
Sưu tầm - dienchanviet.com