In bài này

39 năm nhìn lại “Ước mơ nhỏ của tôi”

Ngày Xuân người ta thường ước mơ, nhất là giới trẻ hay con nít, tôi nay đã 77 cái xuân xanh nếu tính theo tuổi âm lịch thì còn ước mơ cái gì chứ? Thế mà tôi vẫn ước mơ mới lạ.

 Có phải tôi đang trẻ lại hay tôi đang mắc bệnh hoang tưởng? Có thể quí độc giả cho tôi là mắc bệnh hoang tưởng thật nếu quí vị tiếp tục đọc những dòng dưới đây của tôi cho đến hết bài.

Thôi thì ngày Xuân mọi chuyện coi như là trò chơi cho nó vui, cho nên nếu quí vị đọc bài này mà cho tôi là đang mắc bệnh tâm thần thể hoang tưởng thì tôi cũng đành chấp nhận mà cười xòa, vì ‘thực’ với ‘mộng’ có khác gì nhau đâu (Trang tử thời xưa đã bảo thế mà).


GS.TS. Bùi Quốc Châu lá thư hàng tháng

Tôi mơ ước sau này, trong khoảng 30 – 50 năm nữa, trong xã hội ta – nếu không phải là mỗi nhà thì trong hầu hết mọi nhà, con nít nhỏ từ 5 – 7 tuổi trở lên đều biết TỰ CHỮA BỆNH, tất nhiên là những bệnh lặt vặt như đau đầu, đau bụng, sổ mũi, tiêu chảy, táo bón…, cho chính các cháu và cho cả người lớn trong gia đình như anh chị em, ông bà, cha mẹ… Rồi độ 5 – 7 năm sau, khi các cháu độ 10 – 14 tuổi, đám trẻ sẽ trở thành những thiếu niên có thể chữa các bệnh khó chữa hơn cho người thân trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em và cả cho các bạn ở gần nhà. Rồi theo thời gian và qui luật tự nhiên, sau vài chục năm các trẻ em ngày nào đã trở thành người lớn và với quá trình học, nghiên cứu và thực hành Diện Chẩn sẽ trở thành những chuyên gia đầy kinh nghiệm, biết tự chữa cho mình và người khác các bệnh từ thông thường đến nan y (tất nhiên trừ những bệnh cần cấp cứu và giải phẫu là phải cần đến bác sĩ và bệnh viện).

Làm cách nào mà chuyện thần kỳ này có thể xảy ra khi các bệnh vừa kể thì có khi bác sĩ và lương y còn phải ra sức chữa mãi mới khỏi được? Thời đại ngày nay có nhiều chuyện lạ lùng và bất ngờ xảy ra, đến nổi có người còn nói “Trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra được”, huống hồ là chuyện này không phải là quá khó, như đưa phi thuyền lên không gian. Vấn đề là phải có BÍ QUYẾT.

Tôi còn nhớ hồi nhỏ có đọc một bài trong sách của Pháp, kể chuyện về ông Christophe Colomb (Kha Luân Bố). Khi ông bị nhiều người trong quán nước dè bỉu rằng “Tìm được châu Mỹ ư? Quá dễ, chỉ cần lấy tàu vượt Đại Tây Dương, tiến thẳng về hướng tây là gặp châu Mỹ chứ có khó gì!?”. Ông Christophe Colomb không nói gì, chỉ lẳng lặng lấy một quả trứng gà ra và đố những người đó làm cách nào để quả trứng đứng thẳng được trên mặt bàn. Mọi người loay hoay tìm cách để cho quả trứng đứng thẳng nhưng rốt cuộc không ai có thể làm được chuyện tưởng như đơn giản này. Bấy giờ ông Christophe Colomb mới lấy quả trứng gõ nhẹ xuống bàn cho dập một đầu rồi ung dung để quả trứng đứng thẳng trên mặt bàn. Mọi người ồ lên nói “Tại anh đập dập một đầu quả trứng, nó mới đứng được thôi!”. Lúc bấy giờ ông Christophe Colomb mới nói “Sao hồi nãy các anh không làm như thế? Chuyện tìm ra châu Mỹ cũng giống như thế đấy!”. Ai nấy đều phải im lặng…

Nhắc lại câu chuyện trên, ý tôi muốn nói là trên đời này có nhiều việc khó thực hiện nhưng nếu ta biết BÍ QUYẾT thì đều có thể làm được cả. Thế thì cũng có thể trở nên hiện thực chuyện tôi mơ ước trong vài chục năm tới, hầu hết trẻ em từ 5 – 7 tuổi trở lên đều có khả năng phòng và tự chữa các bệnh thông thường cho chính các cháu, và khi đám trẻ lớn lên đến khoảng 12 – 15 tuổi, các cháu lại có thể chữa các bệnh khó hơn cho mình và cho người lớn trong gia đình hay trong xã hội đều được cả. Khi ấy xã hội sẽ tốt đẹp hơn, ít nhất là về mặt sức khỏe và sự yên vui trong cuộc sống nhờ đỡ bệnh tật, đỡ tốn tiền mua thuốc men. Các trẻ em cũng sẽ tự tin hơn và mạnh dạn tiếp xúc với người xung quanh (bớt nhút nhát), điều này sẽ giúp các cháu dễ dàng thành công trong cuộc sống khi lớn lên. Tiếp tục phát triển theo chiều hướng này, dần dà mọi người trong xã hội sẽ ít bệnh tật, sức khỏe ổn định, tuổi thọ kéo dài, tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền của do khỏi phải đi đến thầy thuốc, bệnh viện. Tiền bạc ấy sẽ được dùng vào nhiều việc khác trong gia đình, như nuôi con ăn học, đi du lịch, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, giúp đỡ người khác… Chính phủ cũng sẽ giảm bớt ngân sách về y tế, giảm thiểu sự quá tải nơi các phòng khám, bệnh viện, sẽ dành tiền để làm nhiều việc công ích khác, như xây dựng thêm cầu đường, công trình công cộng, nhà cho dân nghèo có chỗ ở v.v…


Tôi biết là, khi đọc đến đây chắc sẽ có nhiều người nói như vậy thì sẽ loạn, lợi bất cập hại, vì các cháu bé sẽ chữa bệnh lung tung, sẽ gây thêm bệnh nữa. Xin quí vị cứ yên tâm vì DIỆN CHẨN không phải là cách chữa bệnh bằng THUỐC mà bằng XOA BÓP hay DAY, ẤN, hoặc ĐỌC SỐ HUYỆT (Niệm công) hay VẼ HÌNH (Ảnh công) cùng nhiều cách chữa đơn giản và an toàn khác nữa.

Đặc biệt cần nói thêm là toàn bộ các kỹ thuật chữa bệnh nói trên không làm tổn hại gì đến cơ thể người bệnh. Đó là một ưu điểm không thể tìm thấy ở Tây y hiện nay.

Quí vị sẽ hỏi điều nói trên là mơ hay có thật. Câu trả lời sẽ là “giấc mơ thôi!” nếu người dân chúng ta và Nhà nước không chịu nghiên cứu và thực hiện. Ngược lại, sẽ là hiện thực nếu Nhà nước chấp nhận điều này như một giải pháp khả thi và trong tầm tay thì tôi cùng các môn sinh DC của tôi sẽ giúp Nhà nước – cụ thể là Bộ Y tế và Bộ Giáo dục – thực hiện, tất nhiên với chương trình, kế hoạch xác đáng, nghiêm túc.


Thật ra, những cái mà tôi gọi là “giấc mơ y học” như trên vốn là những cái mà các môn sinh của tôi đã dạy lại cho con cái họ từ nhiều năm nay. Tất nhiên việc này chỉ là tự phát, lẻ tẻ. Còn muốn áp dụng rộng rãi để có tác dụng sâu rộng hơn, mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội thì phải do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục tổ chức, điều hành. Thiết tưởng không phải là việc khó lắm. Cái khó là ở LÒNG NGƯỜI, không phải ở kỹ thuật hay cách làm.

GSTS Bùi Quốc Châu (18g55 ngày 18/01/2012)