In bài này

8 thuyết căn bản của Diện Chẩn Bùi Quốc Châu

Diện Chẩn là một phương pháp được xây dựng trên nền tảng Văn hoá Việt và các Nguyên lý Âm Dương – Ngũ hành, Người sáng lập ra phương pháp này là GS TSKH Bùi Quốc Châu đã đưa ra những lý thuyết cơ bản để dựa vào đó, tạo ra rất nhiều các kỹ thuật phòng và chữa bệnh khác nhau, tuy có những kỹ thuật mới xem qua tưởng chừng như chuyện giả tưởng, nhưng thực ra đều có những cơ sở khoa học vững chắc.

A/ Các thuyết của Diện Chẩn 

1.Thuyết Phản chiếu : 

Nguyên lý phản chiếu cho rằng, con người với vũ trụ là một thế thống nhất (Vạn vật đồng nhất thể)  Do đó, con người được xem là một tiểu vũ trụ, là hình ảnh phản chiếu  của vũ trụ (nhân thân tiểu thiên địa) Trong con người, mỗi bộ phận đặc thù (đầu, mình, mặt, mũi tay chân...) đều phản chiếu lại cái tổng thể, mà trong đó mặt là tấm gương ( gương mặt) trên đó phản chiếu những cơ quan thuộc nội tạng và ngoại vi của cơ thể con người. Như vậy, khuôn mặt cũng là một bộ phận tiêu biểu, đại diện cho cơ thể và nhân cách con người (Mất mặt đồng nghĩa với mất thể diện, mất danh dự) Vì vậy, mọi biểu hiện tâm sinh lý, bệnh lý, tình cảm, tính cách của con người đều biểu lộ, phản chiếu nơi khuôn mặt. Bộ mặt có vai trò như tấm gương và không những thể, còn ghi nhận một cách có hệ thống, có chọn lọc những gì thuộc phạm vi con người ở trạng thái Tĩnh và Động. 
 
Thuyết này được vận dụng vào phương pháp Diện Chẩn như sau : Mỗi huyệt trên mặt là một điểm phản chiếu của một hay nhiều huyệt trong cơ thể tương ứng với nó.

2.Thuyết Biểu hiện

Theo thuyết Biểu hiện thì những gì (tình trạng đau yếu/ triệu chứng bệnh …) ở bên trong sẽ hiện ra bên ngoài, ở bên dưới sẽ hiện ra bên trên. Còn về giai đoạn thì những gì sắp xảy ra sẽ được báo trước, những gì đang xảy ra sẽ biểu hiện và những gì đã xẩy ra sẽ lưu lại các dấu vết.
Những biểu hiện này xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau, được thể hiện một cách có hệ thống và chọn lọc, được gọi là biểu hiện bệnh lý . Chúng có tính chất hai chiều thuận nghịch và nơi biểu hiện cũng là nơi mà ta có thể điều trị.
Ví dụ : Thống điểm (điểm đau): điển hình như vết tàn nhang nơi mặt là dấu hiệu chẩn đoán cũng là nơi tác động để trị liệu.

3. Thuyết Phản hiện :

Ngược lại với thuyết Biểu hiện, là thuyết Phản hiện. Đây là một tình trạng khá đặc biệt do khả năng biểu hiện của cơ thể bị rối loạn, nên đưa đến biểu hiện quá nhiều dấu hiệu ( Kể cả những dấu hiệu không có giá trị chẩn đoán ) hay biểu hiện quá ít dấu hiệu đưa đến tình trạng nếu không biết hay thiếu kinh nghiệm thì sẽ khó chẩn đoán được bệnh.

4.Thuyết Cục bộ

Khi một cơ quan hay bộ phận trong cơ thể có sự bất ổn tiềm tàng hay bệnh đang tiến triển thì tại vùng da nơi đó sẽ xuất hiện những dấu hiệu báo bệnh tương ứng ( gọi là các dấu hiệu cục bộ) Quy luật này chi phối trên thân thể hơn là trên vùng mặt.
Ví dụ : Da vùng gan có tàn nhang đen hay đỏ hoặc tia máu, báo hiệu lá gan có bệnh . Trong phạm vi Diện Chẩn Điều khiển liệu pháp thì mỗi một huyệt trên vùng mặt ngoài tác dụng cho các cơ quan ( ngoại vi hay nội tạng) ở xa trên cơ thể, các huyệt này còn có giá trị cục bộ ( tại chỗ ) và lân cận.
Ví dụ : Huyệt 188 ngoài tác dụng làm giảm đau cổ gáy và hạ huyết áp, còn có tác dụng làm sáng mắt ( vì ở cạnh mắt) Huyệt 180 ngoài tác dụng làm giảm đau ngón tay cái còn làm giảm đau vùng Thái dương ( vì huyệt này nằm trên vùng thái dương).

5. Thuyết Đồng bộ :

Theo thuyết đồng bộ thì có sự tương ứng về vị trí, số lượng, sắc độ hình thái và thời kỳ xuất hiện giữa các dấu hiệu báo bệnh trên mặt và trên cơ thể. Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ là có những dấu hiệu chỉ xuất hiện một trong hai nơi ( hoặc trên mặt hoặc trên cơ thể ) hay xuất hiện không đồng thời và không cùng lúc với bệnh, có khi xuất hiện khá xa thời kỳ bệnh tật xảy ra.

6.Thuyết Biến dạng :

Các dấu hiệu báo bệnh trên mặt không phải là bất biến mà trái lại, có thể thay đổi tính chất, màu sắc và hình thái tuỳ theo thời gian, mức độ, tình trạng hay diễn biến bệnh của từng người.
Ví dụ : Khi đang có bệnh thì tàn nhang hay vết nám nơi vùng da tương ứng với cơ quan hay bộ phận bị bệnh có màu sậm hay bóng hơn. Bệnh giảm thì nhạt dần. Nhưng vẫn có ngoại lệ như mụt ruồi ở cạnh nhân trung báo bệnh ở noãn sào. Khi hết bệnh hay đã cắt bỏ noãn sào nhưng mụt ruồi vẫn không mất đi.

7.Thuyết Đồng ứng 

Cho rằng, những gì giống nhau hay tương tự nhau thì có quan hệ với nhau. Cụ thể là  những bộ phận có hình dạng giống nhau hay tương tự nhau đều có những tương quan, có thể ảnh hưởng hay tác động lẫn nhau.
 dụ : Sống mũi tương tự sống lưng  nên có quan hệ với sống lưng (và ngược lại) hai cánh mũi có hình dạng tương tự như hai mông nên có ảnh hưởng đến mông. Gờ mày có dạng tương tự như cánh tay nên có liên quan đến cánh tay, ụ cằm có hình dạng như bọng đái nên có liên quan đến bọng đái... 
 
Sống mũi đồng ứng với cột sống 
Sống mũi đồng ứng với cột sống
 
Bàn tay nắm với ngón tay cái giơ ra đồng ứng với trái tim 
Bàn tay nắm với ngón tay cái giơ ra đồng ứng với trái tim
 
Không những thế, những bộ phận ngoại vi như cánh tay, bàn tay, ngón tay, ngón chân, đầu gối... cũng có những hình dạng tương tự như một số bộ phận nội tạng, như bàn tay nắm lại với ngón cái giơ lên đồng ứng với trái tim, bàn tay đặt úp đồng ứng với lá mía, hai bàn tay úp lại đặt sát vào nhau lại đồng ứng với não bộ nhìn từ bên dưới...
Tác giả tìm ra thuyết này từ câu : «Đồng Thanh tương ứng, đồng khí tương cầu » trong Kinh Dịch, hay quan niệm  « ăn gì bổ nấy » trong dân gian, cho rằng ăn tim heo chưng cách thuỷ với Châu sa, thần sa có tác dụng làm cho tim hết hồi hộp, ăn bồ dục (quả cật) heo hầm với đậu đen để trị đau lưng (liên quan đến quả thận của người) ... Từ điều này, tác giả đã tìm ra hàng loạt bộ phận có liên quan, đồng ứng một cách có hệ thống trên cơ thể con người.
Hệ luận 1 : Thuyết Đồng hình tương tụ :
Những gì có hình dạng tương tự nhau thì có liên hệ mật thiết, thu hút và tác động lẫn nhau. Ví dụ : Cánh mũi có hình dáng tương tự mông, do đó có liên hệ đến mông – Sống mũi có hình dáng tương tự sống lưng do đó có liên hệ đến sống lưng.
Hệ luận 2 : Thuyết Đồng Tính Tương liên :
Những gì có tính chất tương tự nhau thì có liên hệ mật thiết, thu hút và tác động lẫn nhau, tăng cường hay hoá giải ( Tình trạng đau/khoẻ) nhau. Ví dụ : Huyệt số 106 và 08 có tác dụng tương tự do đó có thể hỗ trợ hay khắc chế nhau.

8. Thuyết Giao thoa :

Thông thường thì các dấu hiệu chẩn đoán hiện ra ở cùng một bên với cơ quan hay bộ phận bị bệnh. Ví dụ : Gờ mày bên mặt bệnh nhân có dấu báo bệnh thì cánh tay mặt của bệnh nhân bị đau ( vì gờ mày liên hệ với cánh tay) . Nhưng có một số các dấu hiệu báo bệnh ở vùng mắt, tay chân, buồng trứng và mông của đồ hình phản chiếu trên mặt thỉnh thoảng lại có tính giao thoa đối với một số bệnh nhân.
Hiện tượng này cũng thấy xảy ra đối với các huyệt ở các vùng và bộ phận nói trên. Trong trường hợp này thường có sự gia tăng mức độ nhạy cảm nơi huyệt hoặc tình trạng bệnh.
Ví dụ : Chân mày bên mặt có dấu tàn nhang thì cánh tay bên trái có bệnh, hay ở bệnh nhân phái nữ thì bên mặt nhân trung có tàn nhang nghĩa là buồng trứng bên trái có bệnh. Dấu hiệu giao thoa cho thấy đây là một triệu chứng bệnh khá năng.
"Trích cuốn Thực hành Diện Chẩn Điều Kiển liệu pháp"
GS.TS Bùi Quốc Châu - DienChan.com
In bài này

Hãy “Thử” nghiên cứu, thực tập, rồi hãy phê phán, rồi hãy “Tin”

Nghiên cứu về bộ mặt không phải là một vấn đề mới đối với các nước có tru yền thống y học lâu đời, vì mặt là bộ phận quan trọng đối với con người. Mọi tình cảm, tâm lý, sinh lý, bịnh lý đều hiện ra ở bộ mặt. Mặt còn dính liền với đầu là cơ quan điều khiển toàn thân, nó cũng là nơi có nhiều dây thần kinh, mạch máu, kinh lạc chạy qua.  Do đó, mặt là nơi rất nhậy cảm so với các phần khác trong cơ thể. 

Diện Chẩn Bùi Quốc Châu

Theo Đông Y, mặt còn là nơi chứa nhiều khí Dương và là nơi hội tụ hay xuất phát của các khí Dương. Trong hệ thốn g Châm Cứu cũ vẫn còn một số huyệt trên mặt và cũng đã được dùng để chữa một số bịnh chứng. 

In bài này

Bí quyết của sức khỏe

      Nhiều người tưởng rằng bí quyết của sức khỏe là cái gì bí mật , cao xa và phức tạp lắm. Thật ra không phải như thế. Nó rất gần gũi chúng ta, nhưng vì con người nói chung ít chú ý đến những gì ở bên mình mà hay để ý, quan tâm đến những gì ở xa mình.

đặc tính dân tộc trong Diện Chẩn Bùi Quốc Châu

Từ lúc còn thanh niên tôi đã để ý đến các cụ già sống lâu ở làng tôi để tìm hiểu xem các cụ đó bí quyết gì mà được trường thọ  (đa số sống trên 80 tuổi, có người lại thọ gần 100 tuổi). Sau này lại có điều kiện chữa bệnh cho nhiều người thì lại càng thấy rõ các yếu tố gây ra bệnh tật cũng như các nguyên nhân đem lại sức khoẻ cho con người.Thì ra nó rất đơn giản và gần gũi với chúng ta nhưng ít ai chú ý và áp dụng triệt để. Đó là: Sự điều độ- Sạch sẽ- Vui vẻ- Vận động- Tự tin- Độ lượng- Ôn hoà- Nhân hậu- Vị tha- Thanh tâm- Quả dục- Tiết thực- Gần gũi Thiên nhiên…
Viết đến đây tôi chợt nhớ lại hình như trong sách Quốc văn giáo khoa thư cũng có nói ba thầy thuốc giỏi là: Thầy Điều độ- Thầy Sạch sẽ- Thầy Vui vẻ. Thật ra cũng ít ai biết rằng Điều độ (có chừng mực) là một trong bí quyết của sức khoẻ và sống lâu. Hầu hết những người sống lâu đều là những người có tính điều độ tức là không làm gì quá độ. Cụ Giản Chi (Giáo sư Triết học, tác giả của nhiều bộ sách có giá trị về triết học Đông phương) năm nay 93 tuổi, là một người sống rất điều độ. Mọi sinh hoạt của cụ như ăn, ngủ, làm việc đều có chừng mực. Nếu ta để ý thì thấy người nào làm việc, vận động, ăn uống, ngủ nghỉ không chừng mực thì rất hay bệnh hoạn và ít khi sống lâu. Cho nên những người tập thể dục đều đặn thường sống lâu hơn các vận động viên thể thao. Vì những người sau thường hay có những cố gắng quá độ mà những cố gắng quá sức thường đưa đến những hậu quả tai hại về sau mà ít ai biết. Trong vấn đề ẩm thực, tiết thực và ăn uống đạm bạc cũng là một khía cạnh của Điều độ. Nhiều người nghĩ rằng  muốn sống lâu phải ăn nhiều đồ  bổ, uống nhiều thuốc bổ. Thật ra ăn nhiều đồ bổ, nhất là lúc tuổi già, thì lại càng dễ mắc bệnh, mau chết (trừ tuổi thiếu niên và thanh niên cần ăn đồ bổ để mau lớn và khoẻ mạnh, nhưng cũng ăn vừa phải thôi, không nên thái quá). Vì đa số đồ bổ là  đồ khó tiêu, hay làm tăng huyết áp, làm mệt tim, mệt gan, ruột, dạ dày...Trái lại Tiết thực giảm ăn  và ăn uống đạm bạc rất ít bệnh. Nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu các cụ sống lâu sẽ thấy rõ điều này.
 Về đức tính Sạch sẽ , Vui vẻ thì có lẽ khỏi cần phải nói nhiều, Vì ai cũng biết rõ điều này. Dân gian có nó: Cười là liều thuốc bổ (ở bên Tây hiện nay đã có  người hình thành “liệu pháp cười” để chữa một số bệnh) và Sạch sẽ là phương thức phòng bệnh đơn giản nhất.
Còn vận động thì quá rõ. Tôi không nhớ rõ sách nào kể lại  rằng: Có người hỏi Ông Hoa Đà  bí quyết của sức khoẻ là gì ? Ông trả lời: “Nước chảy hoài thì không hôi thối, ổ khoá sử dụng hoài thì không rỉ sét” Sự thật quả là đơn giản nhưng rất tiếc ít ai làm theo. Gia đình Cốc Đại Phong ở Trung Quốc nổi danh sóng lâu cũng nhờ siêng năng tích cực xoa bóp cơ thể hàng ngày. Xoa bóp là  một hình thức vận động. Nhiều bệnh nhân mắc nhiều bệnh mạn tinhsnhuw Huyết áp, tim mạch, dạ dày, đau lưng..Sau khi đã đi chữa bệnh nhiều nơi không khỏi, rút cục đã khỏi bệnh chỉ nhờ thường xuyên đi bơi lội hoặc đánh bóng bàn , quần vợt, cầu lông hay đi bộ. Tất nhiên là mỗi môn thể dục, thể thao có  ích lợi đặc biệt cho một số bệnh nào đó như: Đi bộ có khả năng điều trị  tốt một số bệnh tim, bơi lội trị được bệnh chóng mặt, huyết áp, nhức đầu...Chính vì biết ích lợi lớn lao của sự vận động cơ thể cho nên thời nào  và ở đâu các thầy thuốc giỏi vẫn  khuyên bệnh nhân  nên siêng năng tập thể dục.
Các yếu tố vừa trình bày có lẽ được nhiều người chấp nhận một cách dễ  dàng. Nhưng các yếu tố còn lại  thuộc về tinh thần như: Độ lượng- Ôn hoà- Nhân hậu- Vị tha- Tự tin- Thành tâm-  (giữ  lòng cho trong sạch, thanh thản), Quả dục (hạn chế lòng dục) Sống gần gũi với Thiên nhiên thì có liên quan gì đến sức khoẻ và trường thọ mà đề cập? Thật ra nó có liên quan nhiều lắm chứ. Không độ lượng thì tự mình làm khổ mình vì tính hẹp hòi (đồng thời cũng làm khổ người khác) không ôn hoà thì tổn khí, kém nhân hậu  và ích kỷ thì ít được người giúp đỡ mình khi bệnh hoạn hoặc bị tai ương, không tự tin (tinh thần yếu đuối) thì hay bị bệnh, tâm trí không trong sạch, thanh thản thì dễ suy nhược thần kinh, nhức đầu, rối óc, dục vọng nhiều thì tổn thọ (người xưa có nói tham thực cực thân). Câu này xét theo nghĩa đen , nghĩa bóng đều đúng cả. Còn những người sống xa Thiên nhiên , suốt ngày ở trong nhà cũng khó mà khoẻ được.
 Các điều vừa trình bày xem ra thật dễ nhưng cũng thật khó phải không các bạn? Vì từ chỗ nhận thức ra vấn đề đến chỗ thi hành thường có một khoảng cách khá xa. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là không thể làm được. Nếu mình biết coi trọng sức khoẻ của mình  và có quyết tâm muốn được khoẻ mạnh, sống lâu. Nếu các bạn đồng ý với tôi những điều trên đây thì rất mong các bạn tập được những đức tánh vừa nêu để có một sức khoẻ tuyệt vời  và sống lâu./.
Tác giả: Gs.Tskh Bùi Quốc Châu
“Trích từ: Tập san Diện chẩn – Số 6 – 2008)
Nguồn: dienchanhanoi.blogspot.com
In bài này

Ba yếu tố đảm bảo cho sức khỏe con người

 1. Âm dương khí công

            Hơi thở gắn liền với cuộc sống của mỗi con người kể từ lúc mới chào đời. Nói nôm na người còn sống là người chưa tắt thở. Hơi thở có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nuôi sống con người. Chính vì thế từ rất sớm trong lịch sử nhân loại nhiều người đã luyện thở và truyền bá nhiều cách thở nhằm củng cố và bảo vệ sức khỏe, chống chọi với bệnh tật như phương pháp Yoga, Thiền trước kia và các phương pháp thở hiện nay. Tuy nhiên nhìn chung con người chỉ biết hít thở một cách tự nhiên ít chú ý đến việc luyện thở và có cách thở đúng để nâng cao trí lực và thể lực…
Nói đến hơi thở ở đây là nói đến sự luyện thở. Một cách thở mới mà chúng tôi đã tìm tòi, sáng tạo và luyện thành công trong nhiều năm qua đó là Âm dương khí công. Gọi đơn giản là thở Âm Dương. Kinh nghiệm cho thấy thực hiện tốt phương  pháp thở Âm dương khí công thì hệ thống thần kinh của con người được điều chỉnh ổn định, vững vàng, tăng trí, tăng lực, sáng suốt, minh mẫn.
Nếu Yoga và Dương sinh có phương pháp thở động và thở sâu kết hợp với nhiều động tác luyện tập phức tạp thì Âm dương khí công là một phương pháp tĩnh và không thở sâu, đưa khí theo ý mình bằng những Dương thở Âm Dương chạy theo hai  mạch Nhâm  Đốc có tỷ lệ nhiều hay ít tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người.
Điều đáng chú ý ở đây là việc luyện thở theo phương pháp Âm dương khí công chỉ thực hiện trong thời gian rất ngắn (từ 2 đến 3 phút tối đa là 5 phút) trong ngày và thỏe được ở mọi nơi, mọi lúc ở bất kỳ tư thế nào. Một phương pháp thích hợp với thời đại  và cho mọi người. Thở đúng là nguyên nhân đầu tiên dẫn con người đi đến  làm chủ trí tuệ (tinh thần) và thể lực (thể xác) là cái rất cần cho thời đại  mới, với cuộc sống nhiều biến động, đầy phức tạp, lo âu và căng thẳng (stress).  

2. Ẩm thực LIỆU PHÁP

Tất nhiên chỉ có thế không thôi thì chưa đủ điều kiện  bảo đảm cho sự sống của con người. Yếu tố quan trọng thứ 2  sau sự luyện thở là cách ăn uống. Thế giới đề cập đến nhiều cách ăn uống và cơ cấu bữa ăn. Nhưng điều quan trọng là hình thành phương pháp ăn uống có nguyên tắc hẳn hoi của từng dân tộc. Nếu hơi thở giúp khí huyết vận hành thông suốt trong cơ thể và làm tăng trí lực, thì thức ăn thức uống tạo ra chất bổ Dương làm tăng sức lực nuôi sống cơ thể. Giải quyết tốt hai yếu tố về cơ bản con người sẽ làm chủ được bản thân mình và chống được nhiều bệnh tật. Vì thế mà cần chủ trương ăn ngon, bổ và có cơ cấu bữa ăn hàng ngày thích hợp cho từng đối tượng. Ví như người bệnh suyễn thì không được ăn mắm sống, người bị viêm xoang thì không được ăn cam…Nếu áp dụng một cách nghiêm túc và triệt để và cơ cấu bữa ăn hàng ngày cho từng đối tượng cụ thể thì con người có thể tự phòng và trị được nhiều chứng bệnh do ăn uống sai lầm mà ra.    

 3. DIỆN CHẨN - ĐIỀU KHIỂN LIỆU PHÁP

Ngoài việc thở và biết cách ăn uống, một yếu tố nữa không kém phần quan trọng nhằm bảo vệ con người phòng và trị bệnh, đó là vận động và vật lý trị liệu, mà ở đây cần nhấn mạnh đến phương pháp  Diện chẩn và một số thủ thuật khác như: xoa bóp. Thể dục tự ý. ở phương Tây người ta áp dụng một số phương pháp trị bệnh bằng ánh sáng, tắm nước nóng, nước lạnh, tắm bùn, tắm biển, tắm hơi. Còn ở phương Đông dùng cách châm cứu , bấm huyệt, xông….Tất cả đều có ý nghĩa thực tế của nó và đã giúp nhiều người khỏi bệnh.
Tuy nhiên đó chưa phải là những phương án tối ưu. Với Diện chẩn, một phương pháp chẩn bệnh và điều trị vùng mặt và toàn thân dưới nhiều hình thức: Lăn,  cào, gõ, ấn, day huyệt, dán cao, hơ ngải cứu…được thể nghiệm thành công trong nhiều năm qua, thật sự  là một phương pháp mang tính tổng hợp cao của 4 phương pháp: Xoa bóp, chích lể, phản xạ học và châm cứu. Phương pháp này cho phép mọi người tìm và trị bệnh cho mình và cho người khác một cách dễ dàng, nhanh chóng, chủ động tập trung vào việc tìm tòi, nghiên cứu một diện hẹp (trên vùng đầu, mặt) nhưng chữa trị rất hữu hiệu  trên diện rộng (toàn thân) vì đầu mặt phản ảnh toàn bộ các cơ quan, bộ phận trong cơ thể con người, phù hợp với xu thế mới của thời  đại (trị bệnh nhanh gọn, ít tốn kém và không dùng thuốc.
 
Như vậy trên cơ sở tổng hợp của 3 yếu tố: khí công,ẩm thực, Diện chẩn mà hình thành một mô hình trị liệu, có thể gọi là tam giác y học mà đỉnh là khí công. Ba yếu tố ấy quyện chặt vào nhau và tác động lẫn nhau để tạo thành một chỉnh thể thống nhất vận hành trong mỗi con người, điều chỉnh và nâng cao sức khỏe cho con người.
Giáo sư Bùi Quốc châu giảng về Diện chẩn và Am dương khí công 
Nếu ở Thế kỷ XX còn nặng nề về y học hóa học thì Thề kỷ XXI sẽ nghiêng về y học vật lý. Hiểu biết ý nghĩa của  3 yếu tố trên cũng đồng thời là 3 phương pháp tổng hợp phòng và trị bệnh cho mỗi con người, thì con người sẽ vươn lên làm chủ bản thân, tiến tới làm chủ Thiên nhiên và làm chủ xã hội. Đó là mục tiêu mă loài người cần đạt được ở Thế kỷ sắp tới.
Ngoài ra chúng tôi còn nghĩ được một bộ máy khám và trị bệnh trong gia đình, để giúp cho con người mỗi ngày tái lập cân bằng trong cơ thể của mình, hoặc phát hiện kịp thời và điều trị bệnh ngay lúc chớm phát. Đối với tình độ khoa học kỹ thuật hiện nay của Thế giới, việc thiết kế chế tạo ra một bộ máy như vậy có lẽ không phải là điều viễn tưởng. Ở Thụy Điển người ta đã làm được chiếc mũ khám bệnh. Ở đây ta có thể hình dung máy khám và chữa bệnh gồm một máy tương tự như Tivi hay Computer. Người bệnh ngồi đối diện với màn hình rồi bấm nút dò bệnh thì tức khắc vùng đầu mặt của người đó được chiếu lên màn hình qua những thông số báo bệnh trong cơ thể thì qua các huyệt vùng đầu, mặt, cổ máy khám sẽ thông báo các hình ảnh và thông số các cơ quan bị bệnh lên màn hình.
Khám bệnh xong máy chuyển sang hệ chữa trị bằng cách phóng tia Laser vào các huyệt báo bệnh chẳng hạn. Việc chữa trị tiến hành có kết quả thì màn ảnh báo hiệu cho biết bật đèn xanh và những thông số chỉ sự bình thường, ngược lại chữa trị chưa dứt được bệnh thì báo hiệu bằng đèn đỏ, xem như là ngoài khả năng của máy và lúc bấy giò máy  sẽ cho lời hướng dẫn đến các bác sỹ chuyên khoa về bệnh của mình.
Trên đây là định hướng về mô hình y học của Thế kỷ XXI. Đó là một mô hình mà theo tôi thể hiện  một nền y học, triết học, văn hóa mang tính xã hội (phổ cập và đại chúng) . Tiến hành phòng và trị bệnh không dùng thuốc bằng nhiều phương pháp kết hợp luyện thở,ẩm thực và vật lý trị liệu… Trước kia và hiện nay, xã hội loài người luôn cần có thầy thuốc cũng như thuốc để chữa bệnh, hay nói cách khác con người  hầu như luôn luôn phải nhờ cậy vào các tác nhân bên ngoài để trị bệnh. Sắp tới, với cách chữa trị theo mô hình y học mới này hay nói nôm na là cách sống theo mô hình sức khỏe Thế kỷ XXI, thì bệnh nhân cũng đồng thời là thầy thuốc. Hay nói cách khác mỗi người là thầy thuốc của  chính mình, dĩ nhiên là trong phạm vi các bệnh chứng thông thường , chủ yếu giải quyết các rối loạn chức năng, không phải là đối với các bệnh có tổn thương hoặc do tổn thương thực thể gây nên. Tất nhiên thực hiện được điều chúng tôi phác họa, hoàn toàn không đơn giản. Cần làm thế nào để Thế kỷ XXI, chúng ta xây dựng cho được mạng lưới y tế gia đình, tự bản thân tiến hành các biện pháp phòng và trị bệnh một cách hết sức nhanh nhạy, ít tốn kém, chủ động. Đi vào diện nhỏ nhưng kinh tế và hiện đại đồng thời đạt hiệu quả cao ở diện rộng.
 

KẾT LUẬN

  1. Y học không phải chỉ để nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh, phòng bệnh, tăng cường sức khỏe kéo dài tuổi thọ mà còn phải làm  cho con người biết làm chủ lấy mình, hài hòa với những người xung quanh, với xã hội, còn làm thăng hoa con người ngày càng cao đẹp hơn, gần với chân- Thiện- mỹ hơn, hạnh phúc hơn, tự do hơn.
  2. Y học phải giúp con người trở lại với chính mình, hiểu mình làm chủ lấy mình mà lại gần gũi với Thiên nhiên, với tự nhiên hơn. Xa lìa bản thể chạy cái mình tạo ra và nô lệ chúng, đó là nền y học trái tự nhiên và sẽ khiến mình đi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát do chính mình tạo ra. Hơn nữa,  còn di hại tới nhiều thế hệ sau.
  3. Y học phải giúp con người cao đẹp hơn về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ và tâm hồn phát triển. Ngoài ra nó còn phải làm được nhiệm vụ hoàn thiện con người từ trong trứng nước (bào thai) và những thế  hệ kế tiếp về sau, để cho nhân loại ngày càng khỏe mạnh, văn minh hơn, biết thương nhau hơn.
  4. Sau nữa y học phải  góp phần vào sự hiểu biết, giao lưu, văn hóa, văn minh giữa các dân tộc với nhau. Với những chủ trương và biện pháp nêu trên về một nền y học mới, thiết nghĩ nếu tổ chức Y tế Thế giới sử dụng nó  vào việc thực hiện mục tiêu “SỨC KHỎE CHO MỌI NGƯỜI NĂM 2000” thì rất hay vì hạn chế được việc dùng thuốc rất nhiều và rất chủ động, sẽ nhanh chóng trong việc thực hiện một cách ít tốn kém nhất. Ngoài ra nếu HỘI CHỮ THẬP ĐỎ QUỐC TẾ áp dụng những biện pháp y học vừa nêu trên vào chương trình  hoạt động của mình  thì rất tốt vì nó giúp cho các hội viên Hội chữ Thập đỏ  một cách đắc lực để thực hiện công tác nhân đạo của họ trên toàn Thế giới. Tuy nhiên chúng tôi cần lưu ý độc giả là chủ trương một nền văn hóa  Triết học đồng thời cũng mang ý nghĩa xã hội là để nâng cao, bổ sung vào điều chỉnh những khiếm khuyết của nền y học hiện đại chứ không phải là thay thế nó (vì thế nó nằm trong phạm vi của y học bổ sung hoặc y học song song). Vì mỗi nền y học có những mặt tích cực của nó. Cũng như mỗi người đều có quyền có những ý kiến riêng của mình. Phần đánh giá thuộc về quần chúng và thời gian.
Tác giả: Gs.Tskh Bùi Quốc Châu
“Trích trong khoa học và phát triển số 34 tháng 9- 1989”
Nguồn: dienchanhanoi.blogspot.com
In bài này

Cách chữa bệnh liệt

Việc chữa bệnh nhân bị liệt đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, thời gian và phải chữa hàng ngày ít nhất từ 2 hoặc 3 lần, cho nên phải CẦN ĐẾN NGƯỜI HỖ TRỢ (con cái, hoặc vợ, chồng, nếu không có thì phải thuê người đến nắn bóp ) để chữa trị.

* Thường bị liệt một bên (liệt 1/2 người, bán thân bất toại)
 Phác đồ diện chẩn chữa bệnh liệt
* liệt bên phải thường nặng hơn liệt bên trái.
* Nếu liệt bên phải thường là bị nhũn não (chân tay co quắp, đi đứng khó khăn, lưỡi rụt lại nên nói cũng khó khăn). Nếu bị nhũn não thì phải bấm các huyệt theo thứ tự 34, 290, 100, 156, 37, 41. Sau đó, làm 7 động tác dưới đây:
1- LĂN GỜ MÀY (phản chiếu tay):
a) Lăn gờ mày từ đầu mày ra cuối mày (bên nào bị lăn bên đó) lăn 30 cái 1 lần làm 3 lần, mỗi lần nghỉ 1 phút, nếu người khoẻ thì lăn 40-50 cái /1 lần.
Chú ý: Nhớ từ trong ra ngoài, nếu làm ngược lại thì sẽ bị liệt nặng hơn.
b) Xong búng (hoặc gõ)  đầu mày (H.65) và cuối mày (H.100), có thể làm 1 lần hoặc 2 lần (tùy sức chịu đựng của bệnh nhân). Mỗi lần búng (hoặc gõ) độ 15-20 cái.
2- LĂN GẦN MIỆNG (phản chiếu chân):
- Lăn từ dưới cánh mũi đến mép (30 cái/1 lần làm 3 lần).
- Lăn từ mép đến môi dưới (30 cái/1 lần làm 3 lần).
- Lăn từ môi dưới đến cằm (30 cái/1 lần làm 3 lần)
3- HƠ: Bằng nhang ngải cứu nếu có.
a) Hơ nhượng (khuỷu) tay: Từ nhượng tay lên trên khoảng 2-3cm và dưới cũng khoảng 2-3cm. Hơ đi hơ lại bằng cách hơ ½ trên, hơ ½ dưới hoặc từ trong ra ngoài (hơ tròn).
b) Hơ cùi trỏ: hơ tròn.
c) Hơ cổ tay (hay gọi là cườm tay)
d) Hơ đầu gù các đốt ngón tay.
Chú ý:
- Quan trọng ở mắt cá chân ngoài khi hơ cổ tay.
- Nếu không nói được, nói khó khăn thì hơ ngón cái tay trái (hơ từ cuối đốt thứ 2 ra đến đầu ngón cái). Xong hơ 2 bên cạnh ngón cái, nhớ hơ đi hơ lại nhiều lần. Nhờ việc hơ này mà lưỡi sẽ thon lại và dài ra, ăn nói sẽ dễ dàng.
4- LĂN TRỰC TIẾP TAY liệt:
- Lăn cánh tay trên: từ đầu vai xuống khuỷu tay (30 cái/1 lần làm 3 lần).
- Lăn cánh tay dưới: lăn từ khuỷu tay tới cổ tay (30 cái/1lần làm 3 lần).
- Lăn bàn tay: từ cổ tay ra 4 đầu ngón tay (tức mu bàn tay).
- Lăn ngón cái (ngón cái ở vị trí kẹp giữa 2 ngón cái và ngón trỏ của người chữa bệnh).
- Lăn gan bàn tay (lăn 3 lần, mỗi lần 30 cái).
- Xong day hoặc vê các đốt xương, chỗ sưng.
5- LĂN TRỰC TIẾP CHÂN liệt: (cũng như lăn tay)
- Lăn đùi: từ trong ra ngoài (30 cái/1 lần, 3 lần)
- Lăn cẳng chân: lăn xuôi từ đầu gối xuống cổ chân.
Chú ý: không lăn ở sống chân.
Lăn bàn chân: lăn mu chân trước, xong lăn 2 cạnh chân.
- Lăn gan bàn chân và day các đầu xương ngón chân.
Chú ý: tất cả các động tác lăn đều làm 3 lần mỗi lần 30 cái.
Khi lăn tay,chân: phải lăn tròn toàn bộ.
Khi tập đi phải để chân thẳng.
Cào gót và bàn chân.
6- CÀO TRÊN ĐẦU:
a- Cào từ mí tóc lên 2-3 cm xuống mí tai.
b- Công dụng: Để chữa cánh tay trên, cánh tay dưới, bàn tay (xem vị trí của đồ hình 11 phản chiếu phần ngoại vi cơ thể trên da đầu “đồ hình dương”).
c- Cào từ đỉnh đầu thẳng xuống đỉnh tai (phản chiếu đùi).
d- Cào từ đỉnh tai chếch ra sau ót (phản chiếu bắp chân).
e- Cào 2 bên sau ót (phản chiếu bàn chân).
Chú ý : tất cả đều làm 30 cái/1lần làm 3 lần. Đặc biệt chú ý: nếu bị liệt nửa người bên phải thì cào nửa đầu bên trái. Ngược lại, nếu bị bên trái thì cào đầu bên phải.
7-LĂN LƯNG:
- Lăn ngược từ xương cùng lên tới ót, lăn từng đoạn ngắn độ 15cm/1 đoạn.
- Lăn 2 bên cột sống thì lăn chéo lên.
Chú ý: khi lăn ở các đốt L3, L4, L5 phải lăn cẩn thận vì chỗ này là thận, nếu không khéo sẽ bị sa thận.
 
GS TSKH Bùi Quốc Châu
© 12/2013 - www.dienchanviet.com (Nguồn: www.dienchan.com)