In bài này

Bác sĩ tốt nhất là chính mình -01- Sức khỏe không cần phải có khoa học kỹ thuật cao

HỒNG CHIÊU QUANG TỰ THUẬT VỀ SỨC KHỎE
Để mỗi người đều trở thành bác sĩ của chính mình
Dịch giả: Đoàn Đức Thanh

(Thay lời nói đầu) 

Sức khỏe không cần phải có khoa học kỹ thuật cao 

Muốn sống khỏe mạnh, vui vẻ đến trăm tuổi, chỉ biết dựa vào các vị thuốc là không thể được, thuốc chỉ giúp chúng ta khoảng 8% đối với mục tiêu sức khỏe, 60% là bạn phải biết yêu quý bản thân mình, có cách sống khỏe. 8% của thuốc tốn kém của bạn rất nhiều tiền, nhưng 60% kia bạn chỉ cần sống bớt nóng nảy, chú ý một chút đến vấn đề ăn uống, mỗi ngày hãy chịu khó đi bộ tập thể dục là có được, việc này không cần phải có sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật cao, nhưng đối với sức khỏe, so với khoa học kỹ thuật cao còn quan trọng hơn nhiều.

Chỉ cần bạn biết yêu quý bản thân mình, như thế hiệu quả đối với sức khỏe chắc chắn vượt xa việc bạn dùng những phương tiện khoa học kỹ thuật cao. điều này có thể giải thích cho nhiều trường hợp của những người giàu có nhưng chỉ ngoài ba mươi tuổi đã qua đời; còn nhiều người già sống ở nông thôn, không có chức tước gì, cũng không có tiền, càng không hiểu nhiệt lượng ca-lo-ri là gì, nhưng họ lại có thể sống thọ hơn trăm tuổi. Rất nhiều người không hiểu tại sao mình có nhiều tiền, có học vấn nhiều, thế mà lại chết sớm? đáp án rất đơn giản, họ đã quay lưng với quy luật tự nhiên.

Trước tự nhiên bao la, con người quả thật rất nhỏ bé. Tự nhiên chính là người mẹ của loài người, nó cung cấp lương thực nuôi sống loài người; tự nhiên chính là người thầy của loài người, nó dạy chúng ta những quy luật của sinh mệnh; tự nhiên cũng là vị quan tòa của loài người, khi chúng ta làm đúng hay làm sai, nó đều có sự thưởng phạt thích đáng cho chúng ta. Sức khỏe trường thọ của chúng ta chỉ có được khi chúng ta biết thuận theo quy luật của tự nhiên; bệnh tật đoản mệnh là do chúng ta đã quay lưng lại với tự nhiên.

Muốn chăm sóc tốt sức khỏe không khó. Không những không cần phải có một vốn tri thức uyên thâm, cũng không cần phải có những thiết bị phức tạp, càng không cần những phương tiện khoa học kỹ thuật cao của thời hiện đại. 

Cơ thể con người chính là cỗ máy tinh vi nhất 

Cơ thể con người chính là cỗ máy tinh vi nhất, phức tạp nhất trên thế giới. Mỗi ngày cơ thể có khoảng 200 triệu tế bào hồng cầu bị chết đi, mỗi giây có một triệu xung động thần kinh. Nhân loại trải qua sáu triệu năm tiến hóa, đó là một quá trình vô cùng phức tạp. Mỗi tế bào có hàng chục ngàn gien, thật là phức tạp vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta.

Để nghiên cứu ra một loại vắc-xin phòng bệnh cảm cúm mất khoảng từ 3 – 5 năm, đầu tư tốn kém hàng triệu đô, nhưng vi khuẩn gây bệnh thì có đến hàng trăm loại. Thế thì sao bệnh cảm cúm có thể trị hết được? đó là do sức đề kháng của cơ thể chúng ta phát huy tác dụng, cơ thể chúng ta cứ từ 3 đến 5 ngày lại sinh ra một loại kháng thể, không tốn một đồng xu nào. Có thể nói, bộ máy cơ thể của chúng ta vô cùng khéo léo, vô cùng tinh xảo.

Sự phức tạp và hiệu quả làm việc của cơ thể chúng ta vượt xa so với các phương tiện khoa học kỹ thuật cao mà chúng ta tạo ra ngày nay, cái gọi là khoa học kỹ thuật cao của chúng ta ngày nay thực ra mới chỉ nằm ở dưới chân núi mà thôi. 

Năm 1976, nước Mỹ kỷ niệm 200 năm ngày thành lập nước. Khi đó nước mỹ đã dốc toàn lực, muốn tặng nhân loại hai tặng phẩm quý giá: một là chương trình a-pô-lô lên mặt trăng, một nữa là tấn công vào căn bệnh ung thư, tổng cộng chi tốn hết khoảng 200 triệu đô la. Kết quả là chương trình a-pô-lô đưa người lên mặt trăng đã thành công, hoàn thành trước thời hạn, con người không những lên được mặt trăng mà còn có thể đi bộ trên đó nữa; nhưng kế hoạch chữa bệnh ung thư thì không những không thành công mà bệnh ung thư còn ngày càng nhiều hơn. Chúng ta thử suy nghĩ xem, cùng tốn 200 triệu đô la, tại sao một thì thành công, một thì thất bại? Vấn đề nằm ở đâu? Rất đơn giản: lên mặt trăng là chuyện của khoa học kỹ thuật cao, con người đã nắm vững, nhưng tính phức tạp của căn bệnh ung thư là vượt quá xa trình độ khoa học cao của con người, sự hiểu biết của con người đối với bệnh ung thư chưa lên được một nửa sườn núi. 

Bác sĩ tốt nhất là chính mình 

Danh y thời cổ Hy Lạp là Hippocrates(1)  chỉ ra: “Bản năng của người bệnh là thầy thuốc của họ, thầy thuốc chính là sự giúp đỡ của bản năng”. Bạn xem, khi ngón tay của chúng ta bị đứt, máu chảy ra một chút thì đông lại, khoảng một tuần sau thì vết thương liền miệng. Ruột chúng ta bị rách, mất một đoạn, không sao cả; phổi bị hư mất một bên, cũng không sao. Năng lực tái sinh của cơ thể chúng ta rất mạnh mẽ. Bản thân chúng ta có thể duy trì trạng thái tốt cho chúng ta, tự thân cơ thể chúng ta có khả năng làm cho nó khỏe mạnh lên, vì thế mà nói, bản năng của người bệnh chính là bác sĩ của họ, bác sĩ tốt nhất là chính bản thân họ.

Có thể nói, bộ máy tinh vi nhất, phức tạp nhất chính là cơ thể của chúng ta; bác sĩ tốt nhất là bản thân chúng ta chứ không phải vị thầy thuốc nào khác. Vì vậy, sự hiểu biết đúng đắn giới tự nhiên, hiểu biết đúng đắn sự phức tạp của cơ thể chúng ta là vô cùng quan trọng.

Bạn nắm vững quy luật của giới tự nhiên, biết tôn trọng nó, như vậy thì việc có được sức khỏe tốt là điều hết sức dễ dàng. Nhìn từ góc độ tiến hóa, đi bộ là cách vận động tốt nhất. Vì thế, cho dù mỗi ngày chúng ta bận bịu như thế nào, ít nhất cũng nên dành khoảng một tiếng đi bộ. Hãy tản bộ trong công viên, hít thở không khí trong lành, cơ thể chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái.

đương  nhiên khi nói, bác sĩ tốt nhất là bản thân chúng ta, không có nghĩa là nói khi chúng ta có bệnh cũng không cần phải đi bệnh viện nhờ bác sĩ, mà ở đây muốn nói, lúc nào thì nên đi tìm bác sĩ, cho dù có được sự chỉ dẫn của danh y, bản thân mình cũng phải hiểu biết bệnh tình của mình và lời dặn dò của bác sĩ, như thế mới có thể phối hợp trị liệu một cách tốt nhất. Quan trọng hơn nữa, phải hiểu rõ tình trạng cơ thể mình khi không có bệnh, chăm sóc hợp lý cho sức khỏe mình, biết yêu quý bản thân mình, làm bác sĩ cho chính mình. 

(1)   Hippocrates (460? – 377? TCN): Lương y danh tiếng nhất thời cổ Hy Lạp, được cho là thủy tổ của ngành y. Những công trình chính của ông gồm: Khái luận về Thủy Thổ; Khái luận về những triệu chứng các bệnh; Khái luận về sự gãy xương và trật khớp xương… Ông là tác giả của lời tuyên thệ cho sinh viên y khoa (Hipppcratic Oath) - (ND)

dienchanviet.com - Sưu tầm