In bài này

Phương pháp Diện Chẩn - Mắc bệnh lạ, từ người khỏe mạnh thành bán thân bất toại (Kỳ 7)

  Thực hư khả năng chữa bách bệnh của phương pháp mang tên "Diện Chẩn" - Báo Người Giữ Lửa - Kỳ7

Khi đang làm việc, anh Lê Anh Trúc bỗng thấy đôi chân mất cảm giác, tiếp đến là hai tay tê dần, môi cũng không thể cử động. Anh ngã quỵ xuống, đôi mắt mở thao láo, không kêu được tiếng nào. Người nhà cấp tốc đưa anh đi bệnh viện. tại đây các bác sĩ kết luận anh Trúc mắc hội chứng bệnh hiếm gặp, cả trăm ngàn người mới có một người mắc, khoa học chưa tìm ra cách chữa trị. Bác sĩ khuyên gia đình đưa aanh Trúc về bởi điều trị tại bệnh viện cũng không có tác dụng.

Trở thành bại liệt trong một ngày

 Anh Lê Thanh Trúc (sn 1978, trú tại Quyết Thắng, Biên Hòa, Đồng Nai) là nhân viên bán lẻ xăng dầu tại cây xăng Tân Mai. Anh đã làm việc tại đó hơn 10 năm, cuộc sống bình ổn với một người vợ và hai người con. Đồng lương công nhân của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cho đời sống tằn tiện, không dư dả nhưng chẳng thiếu đói. Thú thật với chúng tôi, anh Trúc bảo không đam mê làm giàu, không tham vọng này kia, chỉ muốn yên ổn với mái ấm gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống bình lặng của người nhân viên trạm xăng đã bị đảo lộn từ hồi tháng 7 vừa qua. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, anh Trúc bỗng rơi vào cảnh bất động tứ chi, đôi mắt gần như bị mù. Đó là kỷ niệm kinh hãi, đáng sợ nhất trong cuộc đời anh.

Nhấm nháp ly cà phê sữa đá, anh Túc hồi tưởng: “Tôi trước giờ mạnh lắm, không biết viên thuốc, mũi tiêm là gì. Công việc ở trạm xăng cũng đặc thù, phải trải mưa trải gió nhiều, nhưng tôi hầu như không bị đau ốm. Cái đó cũng là may mắn, vì nếu tôi đau ốm, ai sẽ là người nuôi cả nhà đây? Thế mà, vừa rồi, tôi suýt trở thành tàn phế đấy. Nói chung đến giờ này, tôi vẫn không biết mình bị bệnh gì. Chỉ nghe bác sĩ bảo bệnh hiếm gặp, trăm ngàn người mới có một người bị. Bệnh đến rất bất ngờ bởi trước đó chẳng có triệu chứng gì”.

Vẫn lời anh Trúc: “Khoảng hai tháng trước khi ngã bệnh, buổi sáng, tôi đi làm bình thường. Đang bơm xăng, mới được vài ba người, thì tôi thấy chân bị tê. Cảm giác tê lan ra rất nhanh, mỗi lúc một trầm trọng. Đến lúc, tôi không còn cảm thấy cái chân mình luôn, cứ như là chân giả. Tôi cố lết lết để tiếp tục công việc, vì lúc đó khách rất đông. Nhưng mà càng lúc tôi càng không thể cố gắng được. Chân tê, tay tê, lưỡi tê, môi cũng tê. Bụng dưới đau và khó thở. Cơ thể tôi lúc bấy giờ mềm nhũn như cọng bún, ngã vật ra nền của trạm xăng. Lưỡi mà môi tôi đều không hoạt động được, nên tôi không phát ra được tiếng ú ớ nào hết. Tôi xỉu luôn. Mọi người không hiểu chuyện gì, chạy dạt ra. Chỉ có ông bán vé số đỡ tôi dậy, lần tìm điện thoại và gọi cho gia đình tôi đến. Ba má tôi mới đưa tôi vào bệnh viện tỉnh. Họ cho nằm chờ, rồi truyền hai chai nước biển, uống mấy viên thuốc”.

Từ khi nhập viện đến khoảng 21 giờ ngày hôm đó (ngày 6/7/2014), anh Trúc không thể cử động, cũng không thể ăn uống được. Đến tối, bệnh tình của anh càng thêm nặng. Anh Trúc nói tiếp:”Ba má tôi khóc quá trời, bà xã tôi với mấy đứa nhỏ cũng khóc. Tôi muốn an ủi, nhưng miệng không mở ra được. Bác sĩ thì chưa nói tôi bệnh gì, chỉ bảo cứ cho vô nước biển. Đêm đó, có người gọi điện đến cho tôi, má mới đưa điện thoại để tôi xem là ai, thì tôi chẳng còn nhìn rõ nữa. Má tôi thấy không ổn, quyết định đưa tôi lên bệnh viện lớn nhất ở TP.HCM để điều trị”.

Bệnh viện trả về vì không có thuốc chữa

Chuyến xe cấp cứu đưa anh Trúc từ Biên Hòa lên TP.HCM ngày hôm ấy là kỷ niệm không thể quên với người đàn ông 35 tuổi này. Giọng nói run run vì xúc động, anh tâm sự: “Lúc bấy giờ, chân, tay, miệng và mắt đều vô dụng rồi. Nhưng não của tôi vẫn còn hoạt động. Tôi suy nghĩ mãi, không biết tại sao mình lại bị như thế. Không biết mình có khỏi được không, hay là sẽ bại liệt cả đời. thật sự, tôi đau khổ quá, chỉ muốn khóc”. Anh Trúc được nhập viện ngay trong đêm, vào khoa nội thần kinh. Tại đây, các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm để xác định bệnh của anh. Trong thời gian chờ kết quả, anh vẫn được truyền nước và cho uống thuốc như người ta đã làm ở bệnh viện tỉnh Đồng Nai. Hai ngày chờ đợi đối với gia đình anh Trúc giống như cực hình. Các bác sĩ nhiều lần ra vào phòng bệnh, song, khi được hỏi về tình trạng của anh Trúc, họ đều im lặng.

Anh Trúc kể:”Tôi nằm ở đấy được 4 ngày 4 đêm, khổ cực vô cùng. Bà xã và má thay nhau bón cháo cho tôi. Còn lại, tôi không thể làm được việc gì khác. Nói anh bỏ lỗi, cả đi đại tiện má tôi cũng phải làm vệ sinh cho, chứ tôi bất lực hoàn toàn. Tình cảnh khốn khổ lắm, tôi như đứa trẻ lên ba vậy. Vừa buồn vừa nóng lòng, vì không thấy bác sĩ thông báo bị bệnh gì. Qua ngày thứ tư, bác sĩ mời gọi má tôi ra, bảo là tôi bị hội chứng bệnh hiếm gặp (hội chứng Guillain Barre), ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Theo giải thích của bác sỹ đây là một chứng rối loạn do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần hệ thần kinh ngoại biên. Khoảng 100.000 người mới có một người bị hội chứng Guillain Barre. Y học hiện đại không lý giải được nguyên nhân của hội chứng này và cũng không có phương thức chữa trị. Vì thế, các bác sỹ bảo gia đình nên cho tôi xuất viện, điều trị tại nhà”.

Nghe mẹ nói lại lời của bác sỹ, anh Trúc vô cùng hoảng hốt. Bệnh của anh còn chưa hết, sao bác sỹ lại cho về. Vì thế, anh kiên quyết không bỏ viện. “Thấy ý tôi như thế, bác sỹ giải thích rằng, tôi ở lại cũng không tác dụng gì, vì bệnh viện không có thuốc chữa. Tốt nhất là trở về nhà, tập vật lý trị liệu, biết đâu bệnh sẽ khỏi. Bác sỹ đã nói như vậy, tôi còn cự cãi làm sao được. Thôi thì đành về nhà, phó mặc cho số phận”, anh Trúc nhớ lại.

Qua tìm hiểu trên mạng internet và sách báo, gia đình anh Trúc càng lo lắng bội phần về diễn biến bệnh tật của anh. Hội chứng Guillain Barre không chỉ gây ra tình trạng mất cảm giác ở tứ chi hay khó thở, nó còn có khả năng mang đến những tàn tật nặng, vĩnh viễn, thậm chí là tử vong (do các biến chứng như suy hô hấp hay đau tim). Những thông tin ấy khiến gia đình anh Trúc vô cùng lo lắng, song, họ cũng lực bất tòng tâm.

Nhớ lại thời điểm đó, anh nhân viên bán xăng 36 tuổi cười buồn: “Mạng tôi đúng là khổ. Bị cái bệnh trên đời hiếm gặp, không có thuốc chữa. Về nhà nằm, tôi đâm ra suy nghĩ tiêu cực. Nếu bệnh không khỏi, cả đời không đi lại được, thì tôi sống không bằng chết”.

(Còn nữa)
HOÀI SƠN
Nguồn:Theo Báo Người Giữ Lửa
Ảnh chụp kỳ 7: Phương pháp Diện Chẩn